Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này có thể chưa làm thỏa mãn được tất cả những người làm du lịch song đã có nhiều điểm mới, đột phá và tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp phát triển, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thưa ông, sát thời điểm Quốc hội xem xét thông qua, vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn, quan ngại về sự chặt chẽ và tính khả thi của Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này đã được biên tập rất công phu, tập trung được trí tuệ của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà quản lý. Trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo cũng đã cố gắng chỉnh sửa, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, của các tổ chức, cá nhân nhằm để hoàn thiện tốt nhất cho Dự thảo Luật. So với Luật Du lịch 2005, Dự thảo Luật lần này đã ngắn gọn, rõ ràng, có lộ trình thực hiện và có những đổi mới quan trọng.
Thứ nhất, Dự thảo đã thể hiện được tinh thần của NQ 08 của Bộ Chính trị về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này thể hiện trong các quy định về chính sách phát triển du lịch và trong đoàn bộ nội dung của Dự thảo Luật. Nội dung của Dự thảo Luật đã định hướng, tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh có hiệu quả.
Một số quy định trước đây gây khó khăn hoặc có tính khả thi thấp đã được đưa ra khỏi Luật. Ví dụ như quy định về tuyến du lịch, đô thị du lịch trong hơn 10 năm qua chưa thực hiện được, hiệu quả không rõ thì nay bỏ ra.
Về kinh doanh lữ hành, dự thảo Luật đã có những điểm mới. Để tránh kinh doanh lữ hành núp bóng, trái phép, Dự thảo Luật quy định cả lữ hành nội địa và quốc tế đều phải được cấp phép. Khi xin cấp giấy phép hoạt động lữ hành, ngoài các điều kiện về thành lập DN, ký quỹ, Luật sẽ chỉ yêu cầu người phụ trách lữ hành phải có chứng chỉ nghề nghiệp liên quan đến lữ hành. Đối với các DN kinh doanh lưu trú, chỉ cần đạt được những điều kiện tối thiểu là được hoạt động, còn việc “đăng ký xếp hạng” là tự nguyện. Sự thông thoáng này thể hiện tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và sự chủ động của các doanh nghiệp trong kinh doanh.
Ngoài ra, quy định về HDV trong luật cũng cụ thể, chặt chẽ hơn. Hiện nay chúng ta có hơn 18.000 HDV, nhưng chưa có sự quản lý tốt. Hơn một nửa đội ngũ HDV hiện nay không có bảo hiểm xã hội, không có sự giám sát của cơ quan tổ chức nào, nhiều lộn xộn trong du lịch cũng xuất phát từ đây và đây là vấn đề nhức nhối suốt 15 năm qua. Dự thảo Luật lần này quy định rõ về điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên như: phải có Thẻ HDV, phải làm việc ở công ty lữ hành, hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Điều đó giúp chấn chỉnh hoạt động lộn xộn hiện nay của đội ngũ này.
Dự thảo Luật Du lịch được soạn thảo trong bối cảnh Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 08 về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, doanh thu của du lịch là 35 tỷ USD, khách quốc tế tăng 190%. Tinh thần và mục tiêu này được thể hiện trong Dự thảo Luật du lịch ra sao, thưa ông?
Trước hết phải nhìn nhận mục tiêu, hoài bão đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được thể hiện ngay trong Luật Du lịch 2005 với những nội dung phong phú, sâu sắc. Tuy nhiên, xã hội biến động rất nhanh, ngành du lịch cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ. Một số nội dung trong Luật cũ đã không còn phù hợp với tình hình mới. Song tinh thần, tư tưởng của Luật 2005 vẫn được giữ nguyên trong Dự thảo Luật mới, chỉ có một số chi tiết được thay đổi, tạo động lực mới cho các doanh nghiệp phát triển. Điều đó thể hiện ở việc điều chỉnh trong chính sách du lịch, điều chỉnh khu, điểm du lịch, trong kinh doanh du dịch… Sự thay đổi này giúp Luật sẽ sát thực tế hơn, các hoạt động kinh doanh du lịch thông thoáng hơn và đặc biệt việc kiểm soát, quản lý cũng thuận tiện hơn nhiều so với trước.
Tất nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, vẫn còn một số phần chưa thể thỏa mãn được tất cả người làm du lịch. Cụ thể đó là vấn đề Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài…
Chúng ta cần phải hiểu rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Hoạt động Du lịch liên quan đến nhiều ngành khác mà mỗi ngành đều có những luật, quy định cụ thể riêng. Trong Luật Du lịch, chúng ta chỉ ban hành những nội dung thuộc về phạm vi của du lịch còn những quy định thuộc về ngành khác, thì phải tiếp tục tham gia sửa đổi ở các điều luật khác.
Ví dụ, việc thành lập Cơ quan xúc tiến ở nước ngoài liên quan đến Luật Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Hay là vấn đề về Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cũng như vậy. Ở các nước, Quỹ này được hình thành chủ yếu từ nguồn thu của khách du lịch và sự đóng góp của các doanh nghiệp Du lịch. Ở Việt Nam nếu quy định như vậy sẽ phạm phải các quy định của Luật Phí và Lệ phí, Thuế,… cho nên trong Luật Du lịch không thể quy định rõ như vậy được. Khi sửa đổi luật của các ngành liên quan đến lĩnh vực Du lịch, ngành Du lịch sẽ phối hợp để điều chỉnh các Luật đó cho phù hợp với định hướng đưa Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chúng ta đang tiến tới cuộc cách mạng 4.0, trong đó đẩy mạnh việc áp dụng KHKT ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Dù được đánh giá là đã ngắn gọn, rõ ràng lộ trình song nhiều người cho rằng, Dự thảo Luật du lịch vẫn chưa thể hiện được tinh thần này. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây là một ý kiến rất hay và khi chúng tôi tham gia biên soạn Dự thảo Luật này cũng đã tranh luận rất nhiều. Ở đây, chúng ta phải hiểu, ngành nghề nào cũng luôn mong muốn tiếp cận với những gì hiện đại nhất, công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, đặc biệt ngành Du lịch lại là ngành hiện đại và hội nhập cao nên yêu cầu này càng bức thiết. Nhưng vì sao, điều này lại không đưa cụ thể trong Dự thảo Luật Du lịch lần này?
Ở Việt Nam, Luật Kinh doanh thương mại điện tử đã có những quy định cụ thể và chi tiết. Luật này được ban hành rất sớm từ năm 2005 cùng với đó là hàng loạt các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Gần đây, quy định kinh doanh trên điện thoại cũng đã được ban hành. Đây đều là những quy định cụ thể, chi tiết mà ngành Du lịch chỉ cần ứng dụng những điều đó là có thể áp dụng và hướng cho ngành hoạt động theo tinh thần của cuộc cách mạng 4.0. Chính bởi lẽ đó, Ban soạn thảo đã cân nhắc và không đưa thêm vào Luật Du lịch để tránh chồng chéo. Vấn đề là Cơ quan Quản lý cần hình thành ngay bộ phận quản lý loại hình kinh doanh này, để góp phần thúc đẩy cho Du lịch phát triển nhanh hơn. Vì vậy, dù không quy định cụ thể trong Luật Du lịch nhưng do đã thể hiện rất rõ trong pháp luật về thương mại điện tử nên các doanh nghiệp đã có đủ cơ sở để triển khai.
Nhiều người so sánh việc Quốc hội thông qua Dự thảo luật Du lịch giống như cái “bấm nút” trị giá 35 tỷ đô. Ông bình luận gì về điều này? Việc thông qua Dự thảo luật có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Trước và trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật du lịch sửa đổi, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp… Vì thế, Dự thảo lần này chứa đựng tinh thần hăng hái của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Khi Luật thông qua, chắc chắn sẽ tạo ra động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận kỳ vọng của Chính phủ về Du lịch là rất lớn. Chúng ta đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 doanh thu từ du lịch đạt 35 tỷ đô, lượng khách tăng 190%… Để làm được điều này, không chỉ phụ thuộc vào việc ban hành Luật Du lịch mà quan trọng là việc thực thi Luật này thế nào. Chúng ta phải hành động, hành động mạnh mẽ, phải khai thác hết những giá trị của luật Du lịch trong thực tiễn. Đặc biệt, phải đẩy mạnh các hoạt động cụ thể trong tất cả các lĩnh vực của Du lịch. Có như thế chúng ta mới kỳ vọng vào sự đột phá trong tăng trưởng. Nếu chỉ trông chờ vào Luật mà không có kế hoạch hành động thì dù Luật có hay hơn nữa nhưng cũng không có hiệu quả.
Chính vì thế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã thống nhất với Tổng cục Du lịch, ngay khi Quốc hội thông qua Luật Du lịch, hai bên sẽ triển khai ngay một loạt các hoạt động để phổ biến và triển khai Luật. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo không cần phải chờ đến ngày 1/1/2018 khi Luật sửa đổi có hiệu lực mới triển khai thực hiện Luật mà chỉ cần QH thông qua Luật thì ngay lập tức những điều kiện có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho sự phát triển của ngành Du lịch chúng ta triển khai ngay. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy du lịch phát triển theo đúng định hướng của Bộ Chính trị là phát triển nhanh Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Trang (ghi)