Đó là thông tin được đưa ra trong cuộc họp tại trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với một số bộ ngành nhằm thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2017, hiện có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD.
Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017-2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.
Năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đã có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017 mới chỉ giải ngân được 1,5 tỷ USSD, đạt 32,2% số vốn dự kiến giải ngân cả năm.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2017 với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải tự cắt, tự điều chuyển để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua. Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm của mình, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai thực hiện được dự án hoặc tìm được nguồn huy động khác mà không cần đến vốn ODA.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay là 74,92 tỷ USD).
Diệu Trang