Theo quyết định phê duyệt, phân chia đoạn tuyến đường thiết kế thành 5 khu vực gồm: nút Trung Hòa; đoạn đường Khuất Duy Tiến; nút Thanh Xuân; đoạn đường Nguyễn Xiển; nút Tôn Thất Tùng kéo dài.
Chiều dài tuyến đường nghiên cứu là 4,22km nhưng tổng khu đất để lập thiết kế đô thị đến 61,68ha, diện tích này có thể điều chỉnh so với giai đoạn lập nhiệm vụ quy hoạch và cụ thể hóa trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 theo lô, thửa đất sử dụng.
Đối với khu vực nút Trung Hòa (giao giữa đường Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng) có hoạt động chủ đạo là văn phòng và nhà ở. Điểm nhấn là tổ hợp cụm công trình cao tầng phía Đông Nam đường Trần Duy Hưng và Đại lộ Thăng Long (40-50 tầng), tương phản với các không gian mở được tạo ra bởi khu vực Trung Tâm hội nghị Quốc gia và xung quanh.
Đoạn đường Khuất Duy Tiến có hoạt động chủ đạo là văn phòng và nhà ở, hạn chế hoạt động, dịch vụ sử dụng trực tiếp nút giao Trung Hòa. Đoạn đường này được đặc trưng bởi các công trình phát triển theo tuyến. Các công trình cao tầng với tầng cao đặc trưng từ 25-30 tầng.
Đối với nút Thanh Xuân khuyến khích hoạt động chủ đạo thương mại hỗn hợp, kết hợp khai thác lợi thế các ga đường sắt đô thị tại khu vực. Nút Thanh Xuân được thiết kế với đặc trưng không gian phát triển theo cụm công trình cao tầng, trong đó công trình điểm nhấn cao 45-50 tầng.
Đối với đoạn đường Nguyễn Xiển khuyến khích các hoạt động về nhà ở. Hạn chế khai thác sử dụng trực tiếp từ công trình ra tuyến đường để giảm tải cho tuyến giao thông vành đai 3. Đoạn tuyến này được đặc trưng bởi các công trình phát triển theo tuyến và diện; các công trình cao tầng có tầng cao trung bình từ 25-30 tầng.
Đối với nút Tôn Thất Tùng kéo dài có công trình điểm nhấn cao 35 tầng, các công trình xung quanh trung bình 20 tầng; cụm trụ sở Tòa Án, VKSND TP cao 5-7 tầng kết hợp các khoảng lùi, không gian sân vườn để tạo không gian mở cho nút giao thông.
Thành phố giao UBND quận Thanh Xuân chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và một số quận liên quan tổ chức công bố công khai nội dung đồ án Thiết kế.